Cách đọc văn khấn Tết Hàn Thực đúng tục truyền thống
07/05/2025 16:10:39
Tìm hiểu bài văn khấn Tết Hàn Thực chuẩn nhất ngày 3/3 âm lịch, hướng dẫn cách chuẩn bị mâm lễ cúng bánh trôi bánh chay đúng phong tục truyền thống Việt Nam.
1. Nguồn gốc Tết Hàn Thực
Tết Hàn Thực (寒食節) có nguồn gốc từ Trung Quốc, gắn liền với một điển tích cổ liên quan đến Giới Tử Thôi – trung thần nước Tấn thời Xuân Thu. Sau khi giúp Tấn Văn Công đoạt lại ngôi vua, Giới Tử Thôi không nhận thưởng mà về ở ẩn cùng mẹ già. Khi vua cho đốt rừng tìm ông, hai mẹ con không thoát được nên chết cháy. Vua tiếc thương lập đền thờ và ra lệnh ngày 3/3 âm lịch hằng năm không được đốt lửa, chỉ ăn đồ nguội để tưởng nhớ. Từ đó, hình thành ngày lễ Hàn Thực.
Khi du nhập vào Việt Nam, Tết Hàn Thực được Việt hóa thành nét văn hóa mang đậm dấu ấn tâm linh, gắn liền với tục làm bánh trôi bánh chay dâng lên tổ tiên. Tên gọi Hàn Thực vẫn được giữ lại nhưng người Việt không còn kiêng lửa, mà coi đây là dịp tưởng nhớ cội nguồn, tỏ lòng hiếu kính ông bà tổ tiên thông qua những món ăn truyền thống giản dị nhưng ý nghĩa.
2. Ý nghĩa Tết Hàn Thực với người Việt
.jpg)
-
Gợi nhớ về cội nguồn: Tết Hàn Thực là dịp để người Việt nhớ về tổ tiên, thể hiện lòng biết ơn với những người đã khuất. Hình ảnh mâm bánh trôi bánh chay dâng lên bàn thờ là minh chứng cho nét đẹp “uống nước nhớ nguồn” được lưu giữ bao đời.
-
Gắn kết gia đình: Việc cùng nhau nặn bánh, chia sẻ công việc trong nhà bếp cũng là một cách để các thế hệ gắn bó hơn, cùng nhau giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống trong thời hiện đại.
-
Biểu tượng tâm linh – phong thủy: Bánh trôi tròn đầy, nhân ngọt, tượng trưng cho sự tròn vẹn, hanh thông, may mắn.
-
Bánh chay thanh mát, dịu nhẹ, thể hiện sự thanh tịnh, hướng thiện, an lành.
Đặc biệt, bánh ngày nay còn được nhuộm bằng màu sắc tự nhiên từ lá dứa, gấc, nghệ, hoa đậu biếc… vừa đẹp mắt, vừa mang các yếu tố phong thủy may mắn, thịnh vượng.
3. Tết Hàn Thực cúng gì?
Mâm lễ cúng cơ bản:

-
3 hoặc 5 bát bánh trôi: viên nhỏ, nhân đường, nổi trong nước.
-
3 hoặc 5 bát bánh chay: viên to, nhân đậu xanh, nước cốt dừa thơm ngậy.
-
Hương, hoa tươi, đèn nến, trầu cau, nước sạch.
-
Có thể thêm: đĩa xôi, chè, hoa quả, tùy theo phong tục từng vùng.
-
Bánh nên tự làm để thể hiện lòng thành, tránh mua sẵn qua loa.
-
Bánh không nên quá to hoặc nhồi quá nhiều màu sắc nhân tạo.
-
Cúng trước 12h trưa ngày 3/3 âm lịch là tốt nhất
4. Bài văn khấn cúng Tết Hàn thực 3/3
Dưới đây là bài văn khấn cúng Tết Hàn thực 3/3 theo cuốn Văn khấn cổ truyền Việt Nam của Nhà xuất bản Văn hóa thông tin:
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
- Con lạy chín phương trời, mười phương Chư Phật,
- Chư Phật mười phương.
- Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần
- Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.
- Con kính lạy Cao tằng tổ khảo, Cao tằng tổ tỷ, Thúc bá, Đệ huynh, Cô di, Tỷ muội họ nội họ ngoại.
Tín chủ (chúng) con là:
Ngụ tại:
Hôm nay là ngày 3/3 âm lịch, gặp Tết Hàn Thực, tín chủ (chúng) con cảm nghĩ thâm ân trời đất, chư vị Tôn thần, nhớ đức cù lao tiên tổ, thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, đốt nén tâm hương, dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài thần giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, chư vị hương linh gia tiên nội ngoại họ…. (họ của gia chủ) cúi xin thương xót con cháu giáng về linh sàng, chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ (chúng) con kính mời các vị vong linh các vị tiền chủ, hậu chủ ngụ trong nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, phù hộ cho toàn gia chúng con luôn luôn mạnh khỏe, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành, gia đình hòa thuận.
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Hy vọng rằng với các thông tin mà chúng tôi chia sẻ trên đây bạn đã nắm được văn khấn Tết Hàn Thực rồi nhé.